Màu sắc tôn vinh nhãn hiệu
Những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng yếu tố màu sắc thực sự góp phần nâng cao nhận thức nhãn hiệu và đóng vai trò lớn trong các lựa chọn mua sắm của khách hàng. Nó cũng gợi mở trí nhớ và khích lệ cảm xúc.
Ngay cả khi màu sắc nhãn hiệu của bạn đã hợp lý, đừng dừng lại ở đó. Hãy chắc chắn rằng những màu sắc bạn lựa chọn đang truyền tải một thông điệp thích hợp tới các khách hàng.
Lấy ví dụ ở logo công ty bạn. Xét về mặt cốt lõi của hình ảnh nhãn hiệu, nó gửi đi một thông điệp then chốt về sản phẩm hay dịch vụ của công ty bạn, hoặc ở một góc độ nào đó, nó tạo ra sự khác biệt giữa nhãn hiệu công ty bạn với các nhãn hiệu cạnh tranh khác. Mỗi một màu sắc đều mang trong mình một thông điệp riêng biệt. Điều này có nghĩa là nếu logo của bạn sử dụng bốn màu sắc, bạn đang gửi đi bốn thông điệp khác nhau trong cùng một lần. Thậm chí nếu các thông điệp là bổ sung cho nhau, chỉ một vài khách hàng có thể nhớ và liên tưởng tới tất cả các ý tưởng trong nhãn hiệu của bạn.
Một ví dụ khác đó là ở tấm danh thiếp kinh doanh, phần đầu đề thư hay các sản phẩm văn phòng phẩm khác. Không kể đến những nỗ lực nhãn hiệu cố kết, một tấm danh thiếp đa màu sắc có thể được xem là một lựa chọn tốt, nhưng càng nhiều màu sắc bạn sử dụng, yếu tố khác biệt sẽ càng ít đi. Bạn đang sử dụng màu sắc để củng cố các đặc tính nhãn hiệu, hay bạn đang gửi đi các thông điệp xung đột lẫn nhau? Một số công ty thành công có những cách thức sử dụng màu sắc nhãn hiệu của riêng mình. Trong tâm trí của người tiêu dùng, UPS là màu nâu. Trong thị trường nước giải khát, Coke là màu đỏ. Hơn nữa, màu xanh của IBM là khác hẳn so với màu xanh của Tiffany. Mỗi một công ty hàng đầu trên thị trường thường lựa chọn một màu sắc cụ thể đóng vai trò là màu sắc chủ đạo cho logo và hình ảnh nhãn hiệu của mình. Một vài công ty lựa chọn sự phối kết hợp của hai màu sắc, như FedEx với màu tía và màu da cam, song hiếm khi bạn thấy được một nhãn hiệu lớn được xây dựng trên nền tảng quá hai màu sắc cơ bản.
Ngoại lệ có thể là ở những công ty có sản phẩm hay dịch vụ khá đa dạng và có nội dung thiên về màu sắc, chẳng hạn như Skittles với bảy sắc cầu vồng của các hương vị hoa quả, hay các công ty in ấn. Bài học thất bại của một số hãng bia mới ở châu Âu đã chứng tỏ cho tầm quan trọng của yếu tố đặc trưng trong màu sắc nhãn hiệu. Sau khi thành lập, nhiều hãng bia đã sử dụng màu xanh lá cây cho hình ảnh nhãn hiệu của mình. Đây là một lựa chọn sai lầm khi mà qua thời gian, nhãn hiệu của các công ty bia này không những không gây được ấn tượng mà có phần ngày một phai mờ hơn. Nguyên nhân xuất phát ở chỗ tại châu Âu cũng như trên toàn thế giới, màu xanh lá cây đã quá in đậm trong tâm trí người tiêu dùng như là một màu đặc trưng của hãng nhãn hiệu bia Heineiken. Họ không mấy quan tâm tới những màu sắc tương tự và do đó, những nhãn hiệu có màu xanh lá cây sẽ không gây được sự chú ý nào cả. Rõ ràng, việc sử dụng màu sắc một cách riêng biệt sẽ là tốt nhất trong hình ảnh nhãn hiệu hay các dữ liệu tiếp thị.
John Williams, chủ tịch kiêm sáng lập viên LogoYes.com, trang web đầu tiên và lớn nhất thế giới về logo và nhãn hiệu công ty, đề xuất về việc xây dựng một bảng màu sắc hai thành phần cho hình ảnh nhãn hiệu bao gồm những màu chủ đạo cho logo cùng các văn phòng phẩm khác và những màu bổ sung cùng hình ảnh đồ hoạ phụ trợ cho trang web và các dữ liệu in ấn phức tạp hơn. Với 25 năm kinh nghiệm quảng cáo của mình, John đã xây dựng các chuẩn mực nhãn hiệu cho nhiều công ty trong danh sách Fortune 100 (100 công ty lớn nhất thế giới) như Mitsubishi, IBM, GM,…. Ông khuyên rằng trước khi lựa chọn một bảng màu sắc phù hợp cho việc xây dựng nhãn hiệu, bạn hãy quan tâm tới những vấn đề sau:
1) Các màu sắc có lôi cuốn những khách hàng mục tiêu của mình?
Theo John Williams, việc xây dựng màu sắc nhãn hiệu lôi cuốn còn là một phương thức tiếp thị hiệu quả. Tuy nhiên, nhiệm vụ này không mấy dễ dàng do có khá nhiều yếu tố khác nhau tác động. Cùng với thời gian, sản phẩm phải được khách hàng chấp nhận nên khi chọn màu biểu tượng cho sản phẩm đòi hỏi bạn phải có tầm nhìn sao cho màu sắc đó luôn mới mẻ, hiện đại trong con mắt khách hàng. Bạn hãy tính tới độ tuổi, giới tính, văn hoá và các yếu tố nhân khẩu học khác của các khách hàng mục tiêu.
2) Màu sắc chủ đạo của mình có riêng biệt?
Nó có nổi bật so với các nhãn hiệu cạnh tranh khác? Nếu nhãn hiệu của bạn nhỏ hơn, việc chia sẻ cùng màu sắc với những hãng dẫn đầu thị trường có thể là hợp lý lúc ban đầu. Song việc này rất dễ đẩy mạnh vị thế của các hãng dẫn đầu thị trường đó do sự nhầm lẫn của người tiêu dùng giữa nhãn hiệu của bạn với nhãn hiệu của hãng kia. Tốt nhất, hãy tạo dựng cho nhãn hiệu một màu sắc riêng biệt. Nhiều thập kỷ qua, màu đỏ luôn là đặc trưng của hãng bột ngọt Ajinomoto. Màu đỏ đó không hề thay đổi theo thời gian, thể hiện sự vững bền của công ty và của sản phẩm, đồng thời ăn sâu vào tâm trí của từ thế hệ khách hàng này đến thế hệ khách hàng khác.
3) Màu sắc mang ý nghĩa hay truyền tải thông điệp gì?
Ý nghĩa hay thông điệp của màu sắc cần thích hợp với nhãn hiệu của bạn. Mỗi sản phẩm đều có mối liên hệ nhất định với màu sắc nào đó. Nhất là những sản phẩm nổi tiếng thường được nhớ tới và nhận ra qua dấu hiệu chủ yếu là màu sắc.
4) Màu sắc chủ đạo có hợp thời hay đảm bảo sự bền vững nhất định?
Yếu tố thời trang hay xu hướng luôn thích hợp với các khách hàng trẻ tuổi, nhưng có thể không mấy dễ dàng với những khách hàng lớn tuổi hơn. Do vậy, tuỳ từng khác hàng mục tiêu, yếu tố màu sắc sẽ có thay đổi cho thích hợp. Một điều cần chú ý khác đó là màu sắc nhãn hiệu cần có sự bền vững, chứ không thể thay đổi liên tục được. Phụ thuộc vào mục tiêu kinh doanh, bạn có thể lựa chọn cho mình những màu sắc nhất định và phù hợp. Song quan trọng ở chỗ bạn cần đảm bảo tính ổn định cho màu sắc đó. Hàng trăm năm qua, chúng ta luôn dễ dàng nhận thấy trên thị trường những biểu tượng màu sắc cố định như màu vàng của chè Lipton, màu đỏ của Coca Cola,…
5) Những màu sắc trực tuyến tương ứng sẽ là gì?
Sau khi xác định bảng phối màu sắc, thách thức tiếp theo của bạn sẽ là đảm bảo một sự mô phỏng tối ưu các màu sắc nhãn hiệu của bạn trên tất cả các phương tiện truyền thông khác nhau. Bạn cần giữ vững sự trung thành với các màu sắc nhãn hiệu đã lựa chọn trong các bản mô phỏng và nhớ rằng chính yếu tố xuyên suốt này đóng vai trò thiết yếu để lôi kéo người tiêu dùng. Một cách khá đơn giản, càng nhiều màu sắc không có nghĩa là càng lôi cuốn hơn. Màu sắc nên tách biệt với nhãn hiệu, và sẽ đóng vai trò khích lệ sự liên tưởng tới nhãn hiệu. Công ty nào lựa chọn cho mình những màu sắc nhãn hiệu một cách chiến lược và sử dụng chúng một cách xuyên suốt chắc chắn sẽ có những tương lai sáng lạn.
Nguồn: lantabrand.com
0 nhận xét:
Đăng nhận xét